Thảo dược khắc phục chứng đau lưng

Dưới đây là một số bài thuốc trợ khắc phục chứng bệnh:

- Cây xấu hổ là một cây nhỏ, mọc thành bụi lớn. Đặc điểm dễ nhận nhất của cây là lá khi đụng phải sẽ cụp rủ xuống nên có tên gọi như trên. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ và cành lá. Rễ được đào quanh năm, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô. Cành lá thu hái vào mùa hạ, dùng tươi hay phơi khô. Để chữa đau lưng, đau nhức xương khớp lấy rễ cây xấu hổ đã thái mỏng, tẩm rượu, sao cho thơm. Lấy 20 - 30g sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Nếu dược liệu nhiều, có thể nấu thành cao lỏng, rồi pha rượu để dùng dần.

Cây xấu hổ chữa đau nhức xương khớp

-Cỏ xước: Cây cỏ xước là một cây thuốc nam mà trong đông y gọi là ngưu tất nam, Cỏ xước là một loại thân thảo mọc hoang sống lâu năm, có thể cao tới gần 1m, thân có lông mềm. Lá hình trứng, mọc đối, mép lượn sóng. Hoa nhiều, mọc thành bông ở ngọn, dài 20-30 cm. Quả nang là một túi, có thành rất mỏng, có lá bắc nhọn như gai, dễ mắc vào quần áo khi ta đụng phải. Hạt hình trứng dài. Để dùng làm thuốc, người ta nhổ toàn cây (liền cả rễ), rửa sạch, thái ngắn, dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần. Cây có chứa nhiều tác dụng chống viêm rất tốt, mỗi ngày dùng 10 - 16g dạng nước sắc chữa sưng khớp gối, đau nhức gân cốt, đau lưng. Để phòng để phòng đau lưng có thể lấy Cỏ xước, thiên niên kiện, tang ký sinh mỗi vị12g, quế chi 6g. Tất cả rửa sạch nấu chung với 500ml nước, đun sôi cạn còn 300ml, uống ngày 1 thang, uống liên tục trong 2 tuần. Tùy từng cơ địa có thể thêm bồ công anh, sài đất mỗi thứ 8g có tác dụng thanh nhiệt.

-Đỗ trọng là vỏ thân đã phơi hay sấy khô của cây đỗ trọng. Vỏ thân và lá có nhựa mủ trắng, vỏ màu xám, khi bẻ đôi sẽ thấy những sợi nhựa trắng mảnh như tơ nối giữa các mảnh vỏ. Lá mọc so le, mép khía răng. Quả hình thoi dẹt, màu nâu. Hoa tháng 3-5; quả tháng 7-9. Đỗ trọng là vị thuốc có tác dụng bổ gan thận, làm mạnh gân cốt, lại có vị ngọt, tính ôn do vậy đỗ trọng còn được phối chế với nhiều vị thuốc khác làm thuốc. Để bổ thận, cường gân cốt, chỉ thống, dùng chữa chứng đau lưng chế làm rượu thuốc. Đỗ trọng 320g, đan sâm 320g, xuyên khung 200g. Tất cả thái vụn rồi ngâm với 1 lít rượu trắng. Sau 5 ngày thì dùng được, uống nóng, mỗi ngày 2 lần, nỗi lần 20 – 30ml. Ngoài ra có thể chế biến thành món ăn như: Đỗ trọng 50g, gan lợn 200g. Gan lợn rửa sạch, xát muối, sau thái miếng cho nước nấu cùng với đỗ trọng. Khi chín nêm gia vị vào, ăn cả nước lẫn cái. Tác dụng trị gan thận yếu, đau lưng, mỏi gối, tiểu tiện nhiều lần.

-Thổ phục linh (Smilax glabra), còn có tên là khúc khắc, là một loại dây leo sống lâu năm, thân dài 4-5m, có thể tới 10m, có nhiều cành nhỏ, gầy, không gai, thường có tua cuốn dài. Lá mọc so le, hình trái xoan thuôn, phía dưới tròn, dài 5-13cm, rộng 3-7cm, chắc cứng, hơi mỏng, có 3 gân nhỏ từ gốc và nhiều gân con. Để làm thuốc người ta thường lấy thân, rễ phơi hay sấy phô, có thể thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất vào thu đông. Dược liệu có tác dụng lợi gân cốt, kiện tỳ, giải độc, tiêu phù. Mỗi ngày dùng 10-12g sắc uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác cho phù hợp với từng thể bệnh và cơ địa của mỗi người. Thổ phục linh 20g, thiên niên kiện, đương quy đều 8g, bạch chỉ 6g, cốt toái bổ 10g, sắc uống hoặc ngâm rượu uống chữa phong thấp, gân xương đau nhức, tê buốt tay chân rất hiệu nghiệm.

BS Trần Thị Hải (Bộ môn y học cổ truyền. Trường cao đẳng y tế Thái nguyên)

Cải canh làm thuốc

Cải canh còn gọi cải bẹ xanh, cải xanh, cải cay, tên khoa học: Brassica juncea (L.) Czern. et Coss., họ Cải (Brassicaceae). Cải canh là loại rau ăn rất quen thuộc trong bữa cơm gia đình. Hạt cải canh ép dầu điều chế mù tạc làm gia vị hay dùng trong công nghiệp. Trong y học phương Đông, hạt cải canh dùng với tên thuốc “Giới tử” có công dụng như hắc giới tử, bạch giới tử.

Hạt cải canh chứa dầu béo, tinh dầu và chất nhầy; chất sinigrosid khi gặp nước, men myrosinase thủy phân cho glucose, kali sulfat acid và alyl isothiacynat (tinh dầu mù tạc - một chất lỏng, dễ bay hơi, không màu, gây chảy nước mắt, khi kết hợp với amoni hydroxyd thành alylthioure).

Theo Đông y, cải canh có vị hơi cay đắng, tính ấm; vào kinh phế. Giới tử vị cay, tính ấm; vào kinh Phế.

Cải canh cung cấp protid, lipid, glucid, celulose, caroten, vitamin C, acid amin, các nguyên tố Ca, P, Fe. Hỗ trợ hệ tiêu hóa, chống táo bón, chống lão hóa, hỗ trợ tim mạch, chữa gout và phòng chống ung thư bàng quang… Dùng chữa ho hen, làm tan khí trệ, chữa kết hạch, đơn độc sưng tấy.

Hạt cải canh (giới tử) có tác dụng ôn hoá hàn đàm (làm ấm, tiêu đờm do lạnh, lợi khí, tán kết, chỉ thống. Chữa các chứng hàn đàm ủng phế, đàm ẩm khí nghịch, đàm thấp kinh lạc, loa lịch đàm hạch…

Liều dùng: giới tử 4 - 8g. Dùng ngoài không kể liều lượng. Cải canh: 100 - 300g.

Cách dùng giới tử làm thuốc

Trừ đờm, chữa ho: hạt cải canh 4g, hạt tía tô 12g, hạt rau cải củ 12g. Sắc uống. Dùng cho các chứng bệnh do đờm lạnh, ho, hen suyễn, đờm nhiều và loãng, tức ngực.

Chữa đờm vướng tắc, đau nhức khớp: hạt cải canh 4g, hạt gấc 12g, một dược 12g, quế tâm 12g, mộc hương 12g. Chế thành thuốc bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g với rượu trắng hâm nóng.

Trừ độc, tiêu nhọt:

Bài 1: hạt cải canh, hành ta liều lượng như nhau. Nghiền hạt cải thành bột, cho hành củ vào trộn nhuyễn, đắp vào chỗ bị nhọt hay hạch. Ngày làm 1 lần cho đến khi khỏi. Chữa áp-xe lạnh (âm thư), nổi hạch, nhọt lâu ngày mà không có đầu.

Bài 2: hạt cải canh nghiền thành bột, thêm ít giấm hoà đều, đắp chỗ nhọt mới phát.

Món ăn thuốc từ cải canh

Phòng chống cảm mạo: rễ cải canh 60 - 80g, đường đỏ 30g. Rễ cải rửa sạch, thái đoạn; sắc lấy nước; cho uống trong ngày.

Chữa xuất huyết do loét dạ dày, hành tá tràng: cải canh rửa sạch, cắt đoạn, nhúng trong nước sôi 5 - 10 phút, ép lấy 30 - 50ml nước, hâm nóng cho uống (có thể thêm đường trắng vừa đủ).

Kiện tỳ, hỗ trợ đường tiêu hóa: cải canh rửa sạch, phơi héo, cắt đoạn, ngâm chìm trong nước muối (tỷ lệ ≥ 4%), 3 - 5 ngày. Ăn rau và uống nước trong bữa ăn. Dùng khi dạ dày thiếu acid, sôi bụng, phân sống hoặc lạm dụng kháng sinh đường uống (giúp tái tạo vi khuẩn có ích trong ruột). Do dưa chua sinh nhiệt thấp nên thích hợp làm món ăn cho người béo phì và đái tháo đường.

Kiêng kỵ: Người sức yếu, sốt nóng (khí hư hữu nhiệt), yếu phổi ho khan không dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang

8 lợi ích sức khỏe của hành lá

Nhờ các chất dinh dưỡng dồi dào, hành lá là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều món ăn. Dưới đây là một vài lợi ích chính hành lá mang lại:

Hỗ trợ tiêu hóa: Hành lá giàu chất xơ giúp tiêu hóa tốt hơn. Bạn nên ăn hành lá thường xuyên, có thể nấu chín hoăc thêm vào salad.

Tăng cường hệ miễn dịch: Hành lá giàu vitamin C và vitamin A, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.

Kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa tiểu đường: Hợp chất lưu huỳnh có trong hành lá giúp giảm lượng đường trong máu do đó ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Ngăn ngừa cảm lạnh: Hành lá có tính kháng khuẩn và kháng virus, giúp chống lại các bệnh viêm nhiễm do virus như cảm lạnh và giúp loại bỏ các dịch nhày.

Chống ung thư: Hành lá giàu flavonoid và hợp chất allyl sulfide giúp chống lại các gốc tự do và ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư, do đó giúp chống lại bệnh ung thư.

Tốt cho mắt: Hành lá giàu vitamin A và carotenoid giữ cho mắt luôn khỏe mạnh, ngăn ngừa mất thị lực.

Tốt cho tim: Hành lá giàu vitamin C và các chất chống ôxy hóa giúp chống lại các gốc tự do và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Giúp cho xương chắc khỏe: Hành lá giàu vitamin C, vitamin K và một số chất dinh dưỡng thiết yếu khác, giúp cho xương chắc khỏe. Bạn nên ăn hành lá thường xuyên.

BS. Tuyết Mai

(theo Univadis/Boldsky)

Cần phải chế biến phụ tử theo phương pháp mới

Quy 12 kinh. Được dùng nhiều trong các trường hợp tâm dương hư hoặc thận dương hư: Toàn thân lạnh hoặc sợ lạnh, người choáng váng, đau đầu, đau mỏi lưng, gối, xương, khớp.

Phụ tử được chế biến từ cây thuốc ô đầu. Cây ô đầu (Aconitum carmichaelii Debx), họ hoàng liên (Ranunculaceae.). Về mặt thực vật, trên thế giới, ô đầu có khoảng 400 loài, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới Bắc bán cầu. Chỉ riêng Trung Quốc cũng có tới 211 loài. Ở Vân Nam, một tỉnh giáp với tỉnh Lào Cai của nước ta, cũng có tới 66 loài, có loài giống với ô đầu của nước ta. Ở Việt Nam, cây ô đầu được tìm thấy ở một số tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Nghĩa Lộ. Cây ô đầu hiện cho 2 vị thuốc, vị ô đầu, là củ cái của cây ô đầu. Vị thứ 2 là sinh phụ tử, tức là củ nhánh. Chữ sinh ở đây có nghĩa là sống, là tươi, chưa chế biến. Chính vì tên gọi như vậy nhiều nơi còn bị nhầm lẫn giữa tên “cây ô đầu” với vị thuốc “ô đầu”. Vị ô đầu chỉ được phép dùng ngoài để ngâm rượu bóp khi đau cơ, đau khớp và không được dùng để uống vì rất độc. Đã có những trường hợp trúng độc do loại rượu ngâm này.

Cây và vị thuốc phụ tử.

Cây và vị thuốc phụ tử.

Trong rễ ô đầu chứa các thành phần như alcaloid: aconitin, mesaconitin (nhóm diester)... có độc tính cao và có tác dụng giảm đau mạnh; benzoylaconin, bezoylmesaconin có độc tính thấp hơn và có tác dụng giảm đau, tác dụng chống viêm, chống động kinh; aconin, mesaconin lại có tác dụng chống rối loạn nhịp tim. Ngoài ra còn có các thành phần amin, có tác dụng tăng huyết áp như dopamin metoclorid, thành phần polysaccharid có tác dụng hạ đường huyết.

Trong YHCT, khi dùng để uống, phụ tử phải được chế biến hết sức thận trọng với các quy trình chế biến chuẩn. Vì qua khâu chế biến, alcaloid có độc tính cao như aconitin, dưới tác dụng của nhiệt độ, áp suất khi chế, đã có sự biến đổi thành benzoyl aconin và sản phẩm cuối cùng là aconin - một sản phẩm có tác dụng cường tim và độc tính thấp.

Cần nói thêm rằng, những năm về trước, để được các sản phẩm chế từ phụ tử, người ta đã dùng phụ liệu chế là nước ót - một thứ nước được làm đặc từ nước biển trong quá trình chế biến muối ăn để làm dung dịch phụ liệu: ngâm và nấu sinh phụ tử. Nhưng hiện nay, phương pháp này đã không được trọng dụng với các lý do: Vận chuyển nước ót không thuận tiện về khoảng cách và phương tiện. Hơn nữa, vấn đề quan trọng là hàm lượng NaCl, MgCl2 - những thành phần chủ yếu để giảm độc khi chế biến phụ tử có trong nước ót, ở mỗi vùng biển lại khác nhau và không ổn định. Do vậy mà sản phẩm phụ tử chế ra, ở mỗi mẻ, mỗi nơi cũng không ổn định. Và trong thực tế, chế theo phương pháp cũ, trước đây đã có những trường hợp người sử dụng đã bị trúng độc.

Do đó, để có các sản phẩm của phụ tử chế có chất lượng, đảm bảo được các tiêu chí không độc, có tác dụng hiệu quả và an toàn, phụ tử cần tiến hành chế biến theo các phương pháp sau đây:

Phương pháp 1:

Chế biến hắc phụ: Nguyên liệu: sinh phụ tử 1.000g, magnesi clorid 400g, nước sạch 700ml. Hòa tan magnesi clorid, ngâm sinh phụ tử 3 - 5 ngày đêm. Lấy ra, cùng với nước ngâm, đun sôi đến khi củ chín đều (khoảng 30 phút). Đổ ra, để nguội, thái dọc củ thành phiến dày 2-5mm. Sau đó, ngâm phiến trong 2 lít nước sạch, trong khoảng12-14h. Rồi đem rửa lại bằng 3 lần nước sạch, đến khi còn vị cay tê nhẹ. Vớt ra để ráo nước hoặc sấy nhẹ cho khô se. Đem các phiến này tẩm với dịch đường đỏ (30g đường trong 20ml nước). Ủ đến khi thấm hết dịch. Đem tẩm với 15g dầu hạt cải. Trộn đều rồi ủ trong 12-14h. Đem đồ khoảng 20 phút, lấy ra sấy khô, đóng gói, bảo quản.

Sau chế biến, phiến hắc phụ có thể chất khô, cứng. Mặt phiến nhẵn bóng, hơi nâu xám. Ở vành phiến có màu đen của vỏ củ. Vị mặn, nhấm có vị tê nhẹ hoặc không tê. Cho các phản ứng chung với các thuốc thử alcaloid (mayer, dragedorff, bouchardat). Hàm lượng alcaloid toàn phần không được thấp hơn 0,15% tính theo aconitin. Và hàm lượng diester alcaloid tính theo aconitin không được cao hơn 0,20%.

Phương pháp 2:

Chế với muối ăn (NaCl): phụ tử khô 1.000g, muối ăn 350g, nước 700ml. Đem muối ăn hòa tan trong nước. Ngâm phụ tử trong dung dịch này từ 10-12 ngày, cho đến khi nước ngấm tới giữa củ. Lấy ra, rửa sạch, rồi nấu sôi với 1.000ml nước. Vớt ra, thái dọc củ với phiến dày 2-3mm. Sau đó đem phiến ngâm trong 1.500ml nước, trong 12-14h. Rửa lại bằng nước sạch nhiều lần, tới khi còn vị tê nhẹ hoặc hết tê. Để ráo nước, sấy khô ở 600C. Đóng gói, bảo quản.

Sau chế biến, phiến phụ tử có thể chất khô, cứng. Mặt phiến màu trắng hoặc trắng ngà. Ở vành phiến có màu đen của vỏ củ. Vị mặn, nhấm có vị tê nhẹ hoặc không tê. Cho các phản ứng chung với các thuốc thử alcaloid (mayer, dragedorff, bouchardat). Hàm lượng alcaloid toàn phần không được thấp hơn 0,15% tính theo aconitin. Và hàm lượng diester alcaloid tính theo aconitin không được cao hơn 0,20%.

GS.TS. PHẠM XU N SINH

Thuốc hay từ các loài hoa

Cúc vạn thọ: Hoa cúc vạn thọ rất được ưa chuộng và được trồng phổ biến ở Việt Nam dùng để trang trí sân vườn, làm cây cảnh, phục vụ cúng, lễ và trưng bày trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra vạn thọ còn có tác dụng xua đuổi côn trùng có hại, dùng lá để chữa bệnh nấc cụt.

Người phương Đông coi hoa cúc vạn thọ là hình ảnh trường sinh và cuộc sống vĩnh hằng. Theo kinh nghiệm dân gian, dùng hoa cúc vạn thọ, giã nát, trộn với ít đường, hấp chín, nghiền nát, chắt nước uống, có tác dụng chữa kiết lỵ. Nếu phối hợp với húng chanh, hoa đu đủ đực, đường phèn, hấp chín, chắt lấy nước uống có tác dụng chữa ho gà và viêm phế quản.

Hoa đào: Có vị đắng, tính bình, không độc và vào được ba đường kinh Tâm, Can và Vị. Vị thuốc này có công dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện, được người xưa dùng để chữa các chứng bệnh như thủy thũng, cước khí, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện bất lợi, kinh bế, tâm phúc thống (đau vùng tim), mụn nhọt…

Hoa mai trắng: Cây hoa mai trắng (bạch mai hoa) còn gọi là mơ, lạp mai, bạch mai, lạp mộc, hương mai, hoàng lạp, tuyết lý hoa...

Theo y học hiện đại, hoa mai trắng có tác dụng thúc đẩy bài tiết dịch mật, ức chế một số loại vi khuẩn như coli, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lao... Theo Đông y, hoa mai trắng vị ngọt hơi đắng, tính ấm, không độc, có công dụng giải thử sinh tân, khai vị tán uất, hóa đàm, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt cao phiền khát, tức ngực, ho, hầu họng sưng đau, bỏng, lao hạch, chán ăn, chóng mặt, viêm đường hô hấp, giúp long đờm.

Hoa hồng: Có nhiều loại hoa hồng nhưng Đông y thường sử dụng hồng đỏ (mai khôi hoa) và trắng (hồng bạch) để làm thuốc. Hoa hồng là một vị thuốc thơm mát, không độc. Để làm thuốc người ta thường hái những đoá hoa mới nở. Khi hái hoa về, bỏ đài, cuống, phơi trong bóng râm cho khô rồi cất vào lọ kín, không phơi nắng để khỏi tan hương vị của hoa.

Theo y học cổ truyền, hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Hoa hồng đỏ (mai khôi hoa) dùng làm huyết mạch lưu thông, chữa kinh nguyệt không đều, đau ở vùng bụng dưới, vết sưng tấy, đinh nhọt và viêm mủ da, bệnh bạch cầu. Hoa hồng trắng chứa nhiều vitamin, đường, tinh dầu, dùng chữa ho trẻ em rất công hiệu, ngoài ra còn có tác dụng nhuận tràng.

Hoa đỗ quyên: Đỗ quyên còn có tên là sơn thạch lựu, ánh sơn hồng, mãn sơn hồng, báo xuân hoa, thanh minh hoa, sơn trà hoa... Hoa đỗ quyên vị chua ngọt, tính ấm, có công dụng hòa huyết, trừ đàm, làm hết ngứa, được dùng để chữa các chứng viêm khí phế quản, nôn ra máu, viêm dạ dày và đặc biệt là bệnh ở phụ nữ...

Bác sĩ Hoài Hương


Bắp cải – “Vũ khí” đặc biệt chống ung thư và bệnh tim

Nó chứa sulforaphane có tác dụng bảo vệ chống lại ung thư. Một nửa chén cải bắp nấu chín chứa 81,5mg vitamin K. Một số nghiên cứu cho thấy tăng cường sử dụng cải bắp giúp giảm nguy cơ tiểu đường, béo phì, bệnh tim và tử vong nói chung. Nó cũng giúp mang đến làn da khỏe mạnh, tăng cường năng lượng và hỗ trợ giảm cân.

Dưới đây là những lợi ích trong phòng chống ung thư, bệnh tim và nhiều tình trạng khác:

1. Ung thư đại tràng và dạ dày

Bắp cải chứa chất xơ giúp khắc phục các vấn đề tiêu hóa. Ăn bắp cải thường xuyên giúp ngăn ngừa phát triển các bệnh như ung thư đại tràng và ung thư dạ dày.

2. Tăng mức năng lượng

Bắp cải chứa nhiều sắt giúp làm tăng mức năng lượng, tăng cường tuần hoàn và trao đổi chất.

3. Tăng cường hệ thống miễn dịch

Vì bắp cải chứa nhiều viatamin C, nó được cho là giúp tăng cường hệ miễn dịch.

4. Tăng cường sức mạnh xương

Bắp cải chứa nhiều vitamin K giúp sản sinh protein và điều hòa khoáng xương. Vitamin K cũng giúp ngăn ngừa chứng loãng xương. Vì vậy, bắp cải được cho là rất tốt cho việc duy trì sức khỏe xương.

5. Giảm viêm

Nhờ thuộc tính chống oxy hóa, chống viêm, ăn bắp cải thường xuyên giúp giảm đau ở các bộ phận bị viêm của cơ thể.

6. Tiêu diệt các tế bào ung thư

Các chất chống viêm mạnh mẽ trong bắp cải có khả năng tiêu diệt các gốc tự do gây nên sự phát triển của các tế bào ung thư. Đây là một trong những lợi ích hàng đầu của bắp cải.

7. Cải thiện sức khỏe tim

Nhờ chứa hàm lượng chất xơ cao, nên bắp cải được cho là có lợi cho sức khỏe tim. Chất xơ giúp ngăn ngùa những tác động tiêu cực của cholesterol lên động mạch. Điều này rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tim. Do vậy, bắp cải là vũ khí tốt nhất để chống lại bệnh tim

8. Cải thiện thị lực và da

Bắp cải rất giàu vitamin A và tốt cho thị lực cũng như sức khỏe da. Loại vitamin này giúp giảm thoái hóa điểm vàng và phòng tránh nguy cơ đục thủy tinh thể. Nó cũng giúp làm giảm nếp nhăn trên da.

BS Thu Vân

(Theo Boldsky)

Quả ổi và lợi ích ít biết với bà bầu

Dân gian thường truyền tục nếu bà bầu ăn ổi khi em bé sinh ra sẽ bị trốc ghẻ. Nhưng những lợi ích dưới đây khiến chúng ta bất ngờ về tác dụng mà ổi mà ổi mang lại. Ổi là một loại quả bổ dưỡng, là nguồn cung cấp vitamin A, C cao, ngăn ngừa thiếu máu, ổn định đường huyết...

Giảm nguy cơ thiếu máu

Uống một ly nước ổi mỗi ngày giúp giảm tình trạng thiếu máu trong cơ thể do trong trái ổi có chứa những dưỡng chất thiết yếu giúp tăng nồng độ hemoglobin trong máu.

Giúp tăng khả năng miễn dịch

Trong quả ổi rất giàu axit ascorbic, vitamin C – giúp cải thiện hệ thống miễn dịch của bà bầu. Ngoài ra, những dưỡng chất này cũng giúp loại bỏ những bệnh thường gặp trong thai kỳ như đau răng, chảy máu răng, nướu, viêm loét… vì trong 1 quả ối có chứa khoảng 16mg vitamin C.

Trị chứng táo bón thai kỳ

Ổi rất giàu chất xơ giúp thông ruột, do đó sẽ giúp ngăn ngừa táo bón trong thời kỳ mang thai. Một quả ổi cỡ vừa có thể cung cấp 36% lượng chất xơ hàng ngày cho cơ thể.

Trị bệnh tiêu chảy

Quả ổi có tác dụng điều trị tiêu chảy rất tốt vì trong quả ổi có chất làm se (hợp chất hóa học có xu hướng làm co rút các thành phần khác trong cơ thể). Ngoài ra, hợp chất kiềm trong quả ổi có khả năng phòng chống và ngăn ngừa các vi khuẩn phát triển trong quá trình bệnh lỵ. Thêm vào đó, quả ổi có các chất carotenoids, vitamin C và potassium hỗ trợ cho việc chữa lành các trường hợp viêm dạ dày.

Hỗ trợ sự phát triển thần kinh thai nhi

Không chỉ tốt cho mẹ bầu, ổi còn rất tốt cho thai nhi. Trong trái ối có chứa lượng axit folic và vitamin B9 – rất quan trọng cho sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi.

Bổ sung canxi

Bà bầu nên bổ sung 1 quả ổi hoặc một ly nước ép ổi mỗi ngày, vì hàm lượng canxi trong quả ổi cao giúp bổ sung canxi cho sự phát triển của xương và răng thai nhi..

Giữ huyết áp ổn định

Dưỡng chất trong quả ổi còn giúp kiểm soát huyết áp rất tốt cho bà bầu. Trong thai kỳ, việc duy trì huyết áp ổn định là rất cần thiết để tránh nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.

Ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ

Bà bầu ăn ổi giúp duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường và cân bằng, do đó giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ – đây là căn bệnh khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại.

Cải thiện hệ miễn dịch

Vitamin C, vitamin E, carotenoid, iso- flavanoids, polyphenol và axit ascorbic trong ổi là những dưỡng chất làm tăng hệ thống miễn dịch cho mẹ bầu, giúp mẹ tránh xa bệnh tật và các loại vi trùng xâm nhập. Đồng thời, chúng cũng giúp loại trừ những cơn đau răng, nướu, chảy máu răng, và các chứng viêm loét.

Lưu ý: Mặc dù, ổi có nhiều lợi ích cho bà bầu, nhưng bà bầu cũng không nên ăn quá nhiều ổi trong quá trình mang thai, vì hạt ổi có thể khiến bà bầu khó tiêu và nguy cơ vướng vào ruột thừa.

Thu Anh